MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

DIV chưa thể bảo hiểm cho tất cả khách hàng gửi tiền

19-10-2011 - 15:27 PM | Tài chính - ngân hàng

Sau hơn 10 năm đưa Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) vào hoạt động, số dư Quỹ Bảo hiểm tiền gửi mới đạt khoảng 7.000 tỷ đồng.

Với số tiền này, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, sau 20-30 năm nữa, thậm chí 40-50 năm nữa, DIV cũng không thể thực hiện bảo hiểm cho toàn bộ cá nhân gửi tiền tiết kiệm nếu tổ chức tín dụng nào đó không may bị giải thể, phá sản.

“Tổng số dư tiền gửi tại hệ thống ngân hàng hiện vào khoảng 100 tỷ USD, trong đó tiền gửi tiết kiệm chiếm 30-40% (40 tỷ USD), gấp 130 lần số dư của Quỹ Bảo hiểm tiền gửi, vì thế DIV không thể thực hiện được toàn bộ trách nhiệm bảo hiểm. Tuy nhiên, DIV cũng góp phần hỗ trợ về tài chính cho cá nhân gửi tiền tiết kiệm nếu tổ chức tín dụng nào đó không may bị giải thể, phá sản”, ông Bình nói.

Cho ý kiến vào Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi trong Phiên họp Thường vụ Quốc hội mới đây, mặc dù không hy vọng một sớm một chiều DIV có thể thực hiện được mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vẫn không khỏi băn khoăn trước thực tế DIV chỉ có thể chi trả bảo hiểm cho người gửi tiền (mức tối đa hiện tại là 50 triệu đồng/tài khoản tiền gửi tiết kiệm) ở mức quá thấp trên tổng số dư tiền gửi như hiện nay.

Cũng băn khoăn như Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Phan Trung Lý đề nghị quy định cụ thể các cơ chế, chính sách đối với hoạt động của DIV ngay trong Luật Bảo hiểm tiền gửi. “Luật quy định miễn thuế đối với hoạt động của bảo hiểm tiền gửi và trao quyền cho Ngân hàng Nhà nước quy định về mức phí bảo hiểm tiền gửi (hiện là 0,15% số dư tiền gửi cá nhân tại các tổ chức tín dụng).
 
Điều này không phù hợp với các luật thuế và phí hiện hành. Vì DIV là tổ chức tài chính, dù là tổ chức tài chính nhà nước cũng phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nên phải thực hiện theo nguyên tắc đã kinh doanh, thì phải nộp thuế”, ông Lý phát biểu và cho rằng, với thiết kế như Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi, thì phải còn rất lâu nữa, DIV mới thực sự góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng khi chỉ thực hiện bảo hiểm cho cá nhân gửi tiền tiết kiệm mà không bảo hiểm cho tổ chức có tiền tạm thời nhàn rỗi gửi vào hệ thống ngân hàng.
 
“Nếu cho rằng, tổ chức gửi tiền vào ngân hàng là hoạt động đầu tư, mà đã đầu tư, thì phải chấp nhận rủi ro, nên không bảo hiểm cho tổ chức là không phù hợp. Vì trên thực tế, có rất nhiều tổ chức không phải là doanh nghiệp (như tổ chức từ thiện, tổ chức sự nghiệp…) gửi tiền nhàn rỗi vào ngân hàng không nhằm đầu tư, không được hưởng lãi suất ưu đãi hơn so với tiền gửi dân cư mà không được bảo hiểm là chưa hợp lý”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề.
 
Theo Hàn Tín
Báo đầu tư
 

tungns1

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên