MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu hẹp phân cấp trong đầu tư là cần thiết

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có đề án chống chuyển giá trình Chính phủ và được đánh giá cao về nội dung đề án.

Việc phân cấp quá mạnh trong việc cấp phép, quản lí các dự án FDI là một trong nhiều lí do làm nảy sinh các bất cập như dự án sai quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường… Xung quanh vấn đề này, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, việc thu hẹp phân cấp là cần thiết để "uốn nắn" dự án FDI vào nền nếp.

Việc thu hút đầu tư nước ngoài thời gian qua còn tồn tại nhiều bất cập, nguyên nhân một phần do phân cấp quá mạnh cho các địa phương. Định hướng thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thu hẹp phân cấp không?

Đây là một thực tế đang tồn tại. Việc phân cấp và phân quyền cho các địa phương đã khiến nhiều dự án FDI phê duyệt không đúng kế hoạch, nhiều dự án gây ô nhiễm môi trường… Trong các phiên họp Chính phủ, quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cần phải thu hẹp việc phân cấp với một số dự án FDI có quy mô lớn, tác động lớn. Các dự án đó cần phải được Trung ương thẩm tra, thẩm định, cần có ý kiến đầy đủ của các bộ, ngành. Nhưng chúng tôi khẳng định không có việc đưa dự án về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để cấp phép.

Hiện nay, chống chuyển giá được dư luận rất quan tâm. Việc phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Tài chính về chống chuyển giá thời gian tới như thế nào, thưa ông?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có đề án chống chuyển giá trình Chính phủ và được đánh giá cao về nội dung đề án. Nội dung đề án này liên quan nhiều đến thuế, hải quan và quản lí tài chính của DN nên Chính phủ đã chuyển giai đoạn 2 của đề án cho Bộ Tài chính chủ trì.

Bộ Tài chính đã bàn với Bộ Kế hoạch và Đầu tư các phương án triển khai. Tuy chưa có những cuộc họp chính thức, nhưng qua trao đổi cấp chuyên viên với chúng tôi, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều đề xuất hạn chế chuyển giá. Thứ nhất, sắp tới chúng ta phải hoàn thiện khung pháp lí về chống chuyển giá; thứ hai, tuyên truyền về việc hạn chế chuyển giá; thứ ba, xây dựng đội ngũ chuyên gia có trình độ phát hiện cũng như xử lí vấn đề chuyển giá; thứ tư, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về vấn đề so sánh giá với các nước xung quanh.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu này với chúng ta không đơn giản vì các nước cũng đi mua cơ sở dữ liệu của nhau để có sự so sánh. Tiếp theo là ban hành quy định về thỏa thuận giá trước và thực hiện các cuộc kiểm tra về chống chuyển giá. Đó là một số nội dung hai bên đang nghiên cứu triển khai.

Năm 2012, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, DN FDI xuất siêu tới 13 tỉ USD trong khi DN trong nước lại nhập siêu tới 11,7 tỉ USD. Ông có nhận xét gì về thực tế này, thưa ông?

Giữa khối DN FDI và DN trong nước có sự khác nhau rất căn bản. DN FDI chủ động về thị trường, tài chính, công nghệ, dày dạn kinh  nghiệm nên họ dễ dàng tìm thị trường XK hàng hóa trong khi DN trong nước lại tỏ ra khá khó khăn. Những khó khăn chung của nền kinh tế cũng cho thấy DN trong nước rất bị động trong việc ứng phó, khiến sản xuất giảm, kéo theo XK giảm sút. Còn DN FDI lại chủ động hơn nên họ vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh với thành tích XK ấn tượng.

Xin cảm ơn ông!

Theo Lương Bằng

Báo Hải quan

thunm

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên