MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá heo tăng nóng từng ngày, cổ phiếu các “đại gia” chăn nuôi “cháy hàng”, một mã sắp về đỉnh lịch sử

Giá heo tăng nóng từng ngày, cổ phiếu các “đại gia” chăn nuôi “cháy hàng”, một mã sắp về đỉnh lịch sử

Với hiệu ứng từ giá heo, cổ phiếu các “đại gia” chăn nuôi trên sàn chứng khoán cũng tăng nóng, thậm chí “cháy hàng”.

Thời gian gần đây, giá heo hơi liên tục tăng "nóng" trên diện rộng, nhiều nơi lên mức giá 67.000 đồng/kg, tương đương mức giá đỉnh vào đầu tháng 7/2023.

Tại miền Bắc, giá heo hơi tăng thêm 2.000 đồng/kg so với hôm qua, lên 66.000-67.000 đồng một kg. Trong khi đó tại miền Trung và Tây Nguyên, giá cũng tăng lên 62.000-65.000 đồng/kg. Tại miền Nam, heo hơi ở Đồng Nai, TP HCM đang được bán giá 68.000-68.500 đồng một kg. Trong khi tại An Giang, Cần Thơ, Long An, giá tăng thêm 1.000 đồng và dao động 62.000-65.000 đồng.

photo-1715915660945

Với hiệu ứng từ giá heo, cổ phiếu các "đại gia" chăn nuôi trên sàn chứng khoán cũng tăng nóng, thậm chí "cháy hàng". Ngay đầu phiên 17/5, các cổ phiếu DBC, BAF, HAG đã đồng loạt tăng bốc đầu. Trong đó, BAF tăng kịch trần "trắng bên bán", HAG có thời điểm chạm trần trong khi DBC cũng tăng hơn 4%.

Đà tăng nóng của các cổ phiếu chăn nuôi đã bắt đầu từ giữa tháng 4. Chỉ trong khoảng 1 tháng, thị giá BAF, DBC, HAG đều đã tăng từ 20-30%. Cổ phiếu DBC thậm chí đã leo lên mức cao nhất trong vòng 25 tháng và chỉ còn kém đôi chút so với đỉnh lịch sử đạt được đầu tháng 3/2022. Trong khi đó, BAF cũng đang ở đỉnh 21 tháng còn thị giá HAG đang ở mức cao nhất từ đầu tháng 2/2024.

photo-1715915672748

Theo báo cáo từ Chứng khoán Vietcombank (VCBS), có 3 nguyên nhân chính có thể dẫn đến mức tăng này. Đầu tiên là do nguồn cung heo ở phía Bắc không còn nhiều, tồn kho heo biểu to gần như không còn. Thứ hai là mặt bằng giá heo ở 3 vùng gần như bằng nhau, nên lưu chuyển heo từ miền Trung/Nam ra Bắc khá yếu. Thứ ba là heo Thái chưa được đưa về Việt Nam dù mức chênh lệch giá ở tháng 3 khá cao. Tại thị trường miền Trung và Nam, giá heo cũng có xu hướng tăng tích cực do nguồn cung nội vùng thấp.

Về xu hướng, ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT Dabaco dự báo giá lợn sẽ còn cao bởi nguồn cung trong năm ngoái giảm mạnh hơn nhu cầu và phải mất tối thiểu 18 tháng mới có thể khắc phục được tình trạng thiếu cung. Trong năm ngoái, Dabaco đã mạnh dạn nhập về 10.000 con lợn giống giữa lúc bối cảnh dịch bệnh căng thẳng. "Nếu không mạnh dạn nhập lợn năm ngoái, Dabaco có thể trắng tay trong năm nay", Chủ tịch Dabaco khẳng định.

Giá heo tăng mạnh cũng thúc đẩy nhu cầu tái đàn tăng, nhưng vấn đề hiện nay là thiếu con giống nên nhiều nơi xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung. Thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiềm lực và táo bạo như Dabaco trong việc tái đàn.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nhận định: "Nhu cầu tiêu thụ thịt heo trên thị trường chưa hồi phục so với trước kia, tuy nhiên nguồn cung trong nước đã giảm từ năm trước do dịch bệnh. Đến thời điểm hiện nay giá heo tăng trở lại, nhiều hộ muốn tái đàn nhưng vẫn lo lắng không biết xu hướng tăng giá kéo dài bao lâu. Mặt khác nguồn heo giống không đủ đáp ứng nên dẫn đến tình trạng thiếu hàng, khan hiếm ở nhiều nơi".

Hà Linh

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên